Doanh nghiệp được giải đáp thắc mắc về pháp lý trong ngày hội kết nối giao thương của VEC
Tâm AnThứ ba, 13/9/2022 | 12:17 GMT+7
Ngày hội kết nối giao thương lần thứ 24 của Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam (VEC) mang chủ đề “Quản trị pháp lý doanh nghiệp trong nước và quốc tế” đã diễn ra hôm 10/9, với sự tham dự của những luật sư nổi tiếng và hơn 700 doanh nghiệp thành viên.
Luật sư, ThS Trương Thị Hòa – Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM đã dành nhiều thời gian để chia sẻ về các thủ tục pháp lý giúp các doanh nghiệp, cá nhân tránh gặp rủi ro trong việc chuyển nhượng cổ phần. Theo bà Hòa, trong quá trình chuyển nhượng cổ phần, cần quan tâm đến nhiều yếu tố liên quan như: Công ty bán cổ phần là công ty đại chúng hay công ty gì, việc chào bán cổ phần là của cá nhân, tổ chức hay của doanh nghiệp; bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến việc chào bán đó diễn ra sau khi thành lập công ty hay khi đã hoàn thành việc góp vốn vào công ty một thời gian rồi.
Việc chuyển nhượng cổ phần theo bà Hòa, cổ đông có thể chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông sáng lập, hoặc không phải cho cổ đông sáng lập nhưng phải được đại hội đồng cổ đông đồng ý. Người chuyển nhượng phải sở hữu cổ phần của mình rồi mới chuyển nhượng chứ không phải chỉ đăng ký rồi chuyển nhượng. Cổ phần chuyển nhượng phải là của cá nhân đó, không được đem đi thế chấp, đồng thời phải tiến hành thực hiện các thủ tục theo đúng pháp luật Việt Nam.
Là trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cố vấn luật cấp cao, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, Phó giáo sư Tiến sĩ Bùi Xuân Hải đã nêu kinh nghiệm trong việc giải quyết các tranh chấp trong quá trình làm ăn, kinh doanh trong nước và quốc tế. Theo ông Hải, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay gặp sơ suất trong việc xử lý các vấn đề về hợp đồng kinh tế khi làm ăn với các đối tác nước ngoài, khi đưa ra trọng tài quốc tế, phía Việt Nam dễ gặp nhiều thiệt thòi. Do đó, các doanh nghiệp cần chú ý nhất khâu soạn thảo hợp đồng, trong đó có điều khoản lựa chọn giải quyết tranh chấp tại tòa án nào ngay từ đầu để nếu phát sinh tranh chấp sẽ dễ xử.
Thạc sĩ Dư Trọng Tín – ThS Luật kinh tế, Phó viện trưởng Viện phát triển Khoa học Công nghệ Sài Gòn chia sẻ về các rủi ro pháp lý trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Theo ông Tín, các doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập quốc tế cần nghiên cứu kỹ về pháp lý, nhất là nên thuê một công ty hoặc một chuyên gia tư vấn luật để giúp tránh sơ hở do không rõ luật.
Các chuyên gia luật chia sẻ những vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp quan tâm |
Trả lời thắc mắc của một số doanh nghiệp về các hành vi bị cấm trong luật doanh nghiệp Việt Nam 2020, luật sư Nguyễn Thị Hiếu –Trưởng Văn phòng LS Hiếu Toàn, Trưởng ban pháp lý VEC đã nêu rõ các hành vi nghiêm cấm trong luật doanh nghiệp như: Nghiêm cấm kinh doanh nhưng không đăng ký, đã ngưng hoạt động nhưng vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh, lừa đảo, rửa tiền hoặc thực hiện các công việc trái pháp luật.
Bên cạnh việc giải đáp thắc mắc và chia sẻ về những vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp quan tâm, các chuyên gia luật cũng đã thông tin chính sách mới sửa đổi, bổ sung của luật kinh tế nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh; hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển tạo lập các nền tảng số; hỗ trợ chuyển đổi số, số hóa ở cấp độ doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.
Cũng tại ngày hội, ông Phan Liên – Chủ tịch VEC cho biết, 23 chương trình Ngày hội kết nối giao thương đã giúp các thành viên VEC phục hồi sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sau đại dịch Covid 19; góp phần kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp với các nhà phân phối; tổ chức xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài. Sự thành công của 23 chương trình Ngày hội kết nối giao thương đã khích lệ Ban điều hành VEC tổ chức tiếp chương trình lần thứ 24, với mong muốn mang lại thật nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp thành viên.
** nguồn : https://doanhnhansaigon.vn/hoi-clb/doanh-nghiep-duoc-giai-dap-thac-mac-ve-phap-ly-trong-ngay-hoi-ket-noi-giao-thuong-cua-vec-1113019.html