0868 237 007

Kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2023 còn nhiều thách thức

Kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2023 còn nhiều thách thức

Lê Hạnh  31/07/2023 18:48

Dù tình hình kinh tế Việt Nam còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng vẫn có triển vọng tăng tốc độ phục hồi trong nửa cuối năm 2023.

Đó là ý kiến của các doanh nhân, chuyên gia tại tọa đàm “Nhận định kinh tế toàn cầu 6 tháng cuối năm 2023” được tổ chức vào chiều 30/7 tại TP.HCM.

Tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ Ngày hội kết nối giao thương lần thứ 30 của CLB Doanh nghiệp Việt Nam (VEC) phối hợp với Hiệp hội Ô tô – xe máy – xe đạp Việt Nam, Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM và một số hội khác tổ chức.

Theo bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, chưa bao giờ kinh tế Việt Nam đứng trước thách thức lớn như hiện nay. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc rõ nét trong nửa đầu năm 2023, GDP của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,7%, do sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, lãi suất cho vay ở mức cao, sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu, và thị trường bất động sản đóng băng. Công nghiệp và xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng rất thấp, đầu tư tư nhân và FDI sụt giảm… Dù bức tranh tổng thể có phần ảm đạm nhung Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM vẫn kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ gia tăng tốc độ phục hồi trong nửa cuối năm 2023 nhờ chính sách nới lỏng tài khóa và lãi suất trong nước giảm. Bà Chi nhận định, 80% khả năng lãi suất cho vay sẽ giảm trong nửa cuối năm 2023. Bên cạnh đó, mùa lễ hội cuối năm có thể là một động lực hỗ trợ ngắn hạn cho các ngành kinh doanh đồ nội thất, hàng may mặc và thủy sản, thực phẩm… Do đó, kỳ vọng lượng đơn hàng mới sẽ tăng lên, kéo theo sự phục hồi doanh thu cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu.

vec7.jpg
Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm “Nhận định kinh tế toàn cầu 6 tháng cuối năm 2023”.

Bà Chi cũng đưa ra những khuyến nghị cho các DN nhỏ và vừa: cần ưu tiên tập trung các giải pháp trong ngắn hạn như kiểm soát rủi ro dòng tiền, tỷ giá, cơ cấu lại, tiết kiệm chi phí sản xuất… Với các DN sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng, cần bám sát những chương trình kích cầu của TP.HCM và Bộ Công Thương để có đầu ra hàng hóa tốt hơn.

Còn ông Lê Văn Nam – TGĐ Tập đoàn xây dựng Hòa Bình cho rằng, tình hình thế giới có nhiều xáo trộn khiến các DN trong nước bị ảnh hưởng theo, đặc biệt là ngành bất động sản. Vừa qua, ngành bất động sản gặp khó khăn bởi rất nhiều yếu tố như cuộc khủng hoảng kinh tế, pháp lý, thắt chặt tiền tệ, khủng hoảng trái phiếu… Thị trường bất động sản “đóng băng” ảnh hưởng đến chỉ số GDP của ngành công nghiệp xây dựng, dự kiến năm 2023 chỉ đạt khoảng 3%. Hầu hết các công ty xây dựng đều bị sụt giảm doanh thu rất lớn. Ông Nam chia sẻ: “Tập đoàn Hòa Bình phải tái cấu trúc, giảm vay và trả bớt các khoản vay, ngay cả việc phát hành trái phiếu bây giờ chúng tôi cũng rất ngại”.

Ông Nam nhận định, ngành xây dựng 6 tháng cuối năm vẫn ở mức tiêu cực, tổng kết cả năm 2023 có thể sụt giảm trên 30% và năm 2024 cũng sẽ tiếp tục đi ngang một thời gian.

Ở góc nhìn dè dặt hơn, ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng, cuộc khủng hoảng chỉ mới bắt đầu, và có thể còn kéo dài thêm vài năm nữa. Ông khuyến cáo rằng, các DN không nên đầu tư bất động sản để tránh rủi ro.

Trong khi đó, ông Bùi Văn Quyền – Nguyên Cục trưởng cục công tác phía Nam – Bộ Khoa học Công nghệ, Phó ban cố vấn VEC nhận định, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tình hình quốc tế vẫn có những cơ hội cho các DN trong nước bứt phá. Cùng với quyết tâm của Chính phủ, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 – 6,5% năm 2023. “Một là nền tảng kinh tế – xã hội của đất nước. Hai là toàn bộ đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đặt ra quyết tâm phải đạt mục tiêu tăng trưởng, thông qua các chính sách về trái phiếu DN và một loạt chính sách về tài khóa, chương trình kích cầu đầu tư 1 triệu nhà ở xã hội, đầu tư công phát triển cơ sở hạ tầng… Đó là những cú hích rất lớn. Ngoài ra, nông nghiệp, dịch vụ hiện nay tăng trưởng rất tốt, DN cần năng động, linh hoạt để đi theo dòng chảy thì mới đi lên được. Chính trong lúc khó này mới thể hiện được tài năng, bản lĩnh của các DN”, ông Quyền cho biết.

vec.jpg
Ông Phan Liên – Chủ tịch VEC kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Ô tô – xe máy – xe đạp Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

Ngày hội kết nối giao thương lần thứ 30 của VEC đã thu hút sự tham gia của khoảng 100 doanh nghiệp.

Tại sự kiện, VEC đã ký kết hợp tác toàn diện với Hiệp hội Doanh nghiệp Indonesia tại Việt Nam, Trung tâm trọng tài thương mại TP.HCM, Hội Hữu nghị Việt Nam Đông Nam Á TP.HCM, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch tỉnh Bình Phước và Hội Doanh nghiệp quận Phú Nhuận.

vec-2.jpg
VEC ký kết hợp tác toàn diện với Hiệp hội Doanh nghiệp Indonesia tại Việt Nam

Ông Phan Liên – Chủ tịch VEC kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Ô tô – xe máy – xe đạp Việt Nam cho biết, việc ký kết hợp tác toàn diện của VEC với các tổ chức, hiệp hội, hội nhằm hỗ trợ kết nối về xuất nhập khẩu hàng hóa trong và ngoài nước.

++ Nguồn : https://doanhnhansaigon.vn/kinh-te-viet-nam-nua-cuoi-nam-2023-con-nhieu-thach-thuc-304531.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *