0868 237 007

Doanh nghiệp vẫn mong vay vốn dễ hơn, tháo gỡ khó khăn pháp lý cũng là khơi thông nguồn vốn

Doanh nghiệp vẫn mong vay vốn dễ hơn, tháo gỡ khó khăn pháp lý cũng là khơi thông nguồn vốn

Nhiều doanh nghiệp cho biết bên cạnh không dám vay vốn vì lo không có đơn hàng, còn có vấn đề khó tiếp cận vay vốn dù nhiều chính sách được đưa ra. Ngoài ra, ở một số lĩnh vực, tháo gỡ khó khăn pháp lý cũng chính là khơi thông nguồn vốn.

Các đại biểu thảo luận về các giải pháp khơi thông nguồn vốn ra thị trường - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các đại biểu thảo luận về các giải pháp khơi thông nguồn vốn ra thị trường – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đó là ý kiến được nhiều doanh nghiệp đưa ra tại hội thảo “Khơi thông nguồn vốn ra thị trường”, do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 5-4 tại TP.HCM.

Doanh nghiệp xuất khẩu suy giảm đơn hàng, e ngại vay vốn

Bà Tô Thị Tường Lan – phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – cho biết ngành thủy sản luôn có doanh số xuất khẩu lớn, song năm 2023 đã sụt giảm nặng nề, chưa đạt 9 tỉ USD, giảm gần 20%.

Bà Tô Thị Tường Lan - phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bà Tô Thị Tường Lan – phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đến năm nay, quý 1 đã có giá trị xuất khẩu 2 tỉ USD, nhờ tháng 1 xuất khẩu của ngành thủy sản tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt tăng trưởng của ngành tôm.

Đối với vốn cho ngành thủy sản, bà Lan cho biết do các doanh nghiệp không có đơn hàng, các thị trường chính đều suy giảm đơn hàng nên doanh nghiệp ngại vay vốn. Với nhóm 20 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu thường vay USD, biến động tỉ giá không có lợi cho doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp chững lại về vay vốn, chờ những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường xuất khẩu lớn.

Trong khi đó, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp có chiến lược tốt, có mối quan hệ tốt với ngân hàng thì các ngân hàng sẵn sàng cho vay khi có lịch sử tài chính tốt. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng khó tiếp cận gói vay ưu đãi 15.000 tỉ đồng, thậm chí không biết về gói hỗ trợ này.

Theo bà Lan, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang vay với mức lãi suất phổ biến là 6-7%.Còn với các doanh nghiệp nhỏ, không có tài sản thế chấp thì đang vay với lãi suất 8-8,5%. Từ thực tế trên, bà Lan đề xuất các ngân hàng xem xét hạ lãi suất đối với vay USD với mức dưới 4%, bên cạnh đó bà Lan cũng đề xuất các ngân hàng phổ biến công khai các gói vay ưu đãi để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.

“Các doanh nghiệp đề xuất nếu có các gói ưu đãi cho nông lâm thủy sản thì cần rà soát tính hiệu quả, đối tượng nào đã nhận được để doanh nghiệp rút kinh nghiệm với mục tiêu sau này tiếp cận được”, bà Lan nói.

Trong khi đó, ông Phan Liên – chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam (VEC) – cho rằng hiện nay đơn hàng rất khó khăn nên nhiều doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn. Theo ông Liên, hiện có thông tin các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, nhưng thực tế các doanh nghiệp khó tiếp cận các gói này.

Do đó, ông Liên đề xuất cần có truyền thông rộng rãi và các chính sách cởi mở để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các gói này. Gỡ pháp lý, doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp cận vốn.

Doanh nghiệp bất động sản cần vốn, nhưng tháo gỡ khó khăn pháp lý còn cần hơn

Ông Lê Hoàng Châu – chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM – cho biết hoan nghênh việc điều hành về mặt vĩ mô của Nhà nước để cho thị trường tài chính, tiền tệ ổn định, tín dụng được lưu thông. Đồng thời, việc ban hành thông tư 02 năm 2023 về giữ nguyên nhóm nợ, giãn thời gian trả nợ là “phao cứu sinh” đối với các doanh nghiệp.

Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Lê Hoàng Châu – chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuy nhiên, ông Châu kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét kéo dài thông tư 06 thêm 1 năm thay vì đề xuất 6 tháng. Bên cạnh đó, đối với thông tư 03, ông Châu cho rằng tác động lớn đối với thị trường trái phiếu, giúp cho các doanh nghiệp “hạ cánh mềm”.

Đối với gói tín dụng 125.000 tỉ đồng dành cho nhà ở xã hội, ông Châu cho rằng người mua chưa tiếp cận được gói này do thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, thiếu người vay nên ngân hàng chưa giải ngân. Đồng thời, ông Châu cho rằng gói tín dụng này chưa hấp dẫn do còn rủi ro tăng lãi suất khi lãi suất tăng 6 tháng/lần.

Doanh nghiệp bất động sản hiện nay không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để mang ra vay vốn, trong khi đó các ngân hàng thương mại đều yêu cầu phải có tài sản đảm bảo, do đó khó để vay vốn.

Theo ông Châu, đối với các doanh nghiệp bất động sản, giải pháp hữu hiệu nhất là giải pháp “phi tín dụng”, đó là tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý cho doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tín dụng.

Ông Châu cho rằng các cơ quan nhà nước cần tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản để đủ điều kiện tiếp cận tín dụng, khi đó ngân hàng mới giải ngân. Điều này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng bất động sản, tạo điều kiện tiếp cận tín dụng cho người mua nhà ở thương mại giá vừa túi tiền.

Bà Đinh Thị Thu Thảo, giám đốc khối khách hàng cá nhân Ngân hàng ACB, cho biết lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp chỉ là 4,9%/năm, còn khách hàng cá nhân 6-8%/năm.

Riêng với khách hàng cá nhân, lãi suất cho vay ngắn hạn 6%/năm và cố định lãi suất 2 năm cho vay mua nhà để ở là 7%/năm và có sản phẩm trả góp theo bậc thang với năm đầu rất thấp 2%/năm để giảm bớt áp lực trả nợ cho khách hàng.

Bên cạnh đó, ACB có sản phẩm cho ân hạn 1 năm và trả góp theo bậc thang để hỗ trợ khách hàng mua nhà để ở.

Về tăng trưởng tín dụng, quý 1, ACB tăng 3,7% với 18.000 tỉ đồng, trong đó, tăng trưởng khối khách hàng doanh nghiệp là 3,5%, còn khách hàng cá nhân tăng 3,8%..

Tín dụng tập trung vào ngành chính là nông nghiệp, dệt may, nông sản, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp có dòng tiền, có doanh thu.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *