Vừa qua, tại TP HCM, Câu lạc bộ (CLB) Doanh nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, với chủ đề “Hiệp định Thương mại tự do EVFTA cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt”.
Chương trình thu hút sự tham gia của hơn 300 DN đang sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu ở nhiều lĩnh vực; cùng nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.
Tại sự kiện, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng chia sẻ về cơ hội và thách thức khi thực thi EVFTA.
Theo đó, DN có cơ hội thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân của nhiều nước châu Âu và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD. Trong đó, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như: dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ…
Tuy nhiên, khi tham gia EVFTA, Việt Nam cũng phải đối mặt không ít thách thức. Cụ thể là sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế, DN và hàng hóa, dịch vụ; sức ép đến từ cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU; sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp…
Dựa vào những điều kiện trên, chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, các DN cần chủ động nắm vững các cam kết của Việt Nam và đối tác, thay đổi tư duy kinh doanh, chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động tìm cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài, tham gia dây chuyền cung ứng toàn cầu.
Trong khi đó, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm (FFA) cho biết, hiện hầu hết các mặt hàng lương thực, nông sản, thủy hải sản của Việt Nam đều có nhiều cơ hội từ các cam kết trong hiệp định này.
Để có thể đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa những cơ hội, đạt tới con số tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng như kỳ vọng ban đầu, Chủ tịch FFA khuyên, các DN cần có hiểu biết chính xác, đầy đủ về các cam kết Hiệp định EVFTA.
Cụ thể là theo từng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh và ứng dụng một cách linh hoạt, bắt đầu từ việc thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, tăng cường hợp tác giữa các DN, chú trọng liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng, kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý và thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc.
Đặc biệt chú trọng thực hiện và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững
Cũng tại sự kiện, hưởng ứng lời kêu gọi hướng về đồng bào miền Trung bị thiên tai, CLB DN Việt Nam đã vận động được hơn 150 triệu đồng từ các DN.
Ông Phan Liên, Chủ tịch CLB DN Việt Nam cho biết, vẫn đang tiếp tục kêu gọi các đơn vị thành viên quyên góp, chia sẻ phần nào khó khăn với đồng bào miền Trung.